Thông thường, trong kinh doanh ai cũng nghĩ tới việc mua thấp bán cao và nhiều người còn mặc định rằng mua càng rẻ, càng tốt. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều đó cũng đúng. Bản thân Warrent Buffett cũng đã mắc sai lầm trong việc đầu tư vào những công ty với giá cổ phiếu rất rẻ nhưng sau đó lại không mang về lợi nhuận.
Trong những ngày đầu của mình, Buffett đã cộng tác với Charlie Munger để mua một cửa hàng ở Baltimore, trước đó đã từng làm ăn rất tốt. Cửa hàng đó có tên là Hochschild-Kohn và việc gây dựng lại kết quả kinh doanh huy hoàng là một nhiệm vụ bất khả thi. Sau ba năm cho nó một cơ hội, họ đã phải bán Hochschild-Kohn cho một người mua khác với mức giá gần bằng giá họ đã bỏ ra khi mua nó, mục đích là giải phóng mình khỏi một gánh nặng. Khi nhìn lại sai lầm này, Buffet đã viết trong một bức thư gửi cổ đông của Berkshire Hathaway như sau “Mua một công ty tuyệt vời với giá bình thường tốt hơn là một công ty bình thường với giá tuyệt vời”.
Đa phần người kinh doanh khi mua hàng thường bị thu hút bởi những sản phẩm giá rẻ, chiết khấu cao, nhưng sau đó lại ngậm ngùi khi thấy hàng tồn kho của mình không bán được. Tôi lấy một ví dụ sau:
1. Bạn mua một mặt hàng A, với số lượng 10 chiếc và mức giá mua vào là 100.000 VND, giá bán trên thị trường là 120.000 VND. Giả sử 1 tháng bạn bán được 10 chiếc, bạn vẫn có lãi 200.000 VND.
2. Bạn mua một mặt hàng B, cũng với số lượng 10 chiếc nhưng giá mua vào chỉ có 50.000 VND, giá bán trên trị trường là 100.000 VND. Nhưng 1 tháng bạn chỉ bán được 1 chiếc, bạn có lãi 50.000 VND đó là chưa kể việc trừ đi chi phí cơ hội do tiền vốn của bạn nằm trong hàng tồn kho, không sinh ra tiền lời như khi gửi ngân hàng. Sau vài tháng, hàng hóa lỗi mốt hoặc hết hạn sử dụng, có thể bạn phải bán tống bán tháo với giá xấp xỉ giá mua vào.
Tương tự như vậy, nhiều phụ nữ thường mắc phải bẫy mua sắm khi chi tiền vô tội vạ để mua lấy những sản phẩm giảm giá ở siêu thị rồi sau đó lại không dùng đến. Một sản phẩm bao giờ cũng có giá trị và giá trị sử dụng, nếu giá trị mà bạn bỏ ra là 1 đồng mà giá trị sử dụng bằng 0 đồng thì sản phẩm đó vẫn có giá rất đắt. Nhiều người bỏ ra hơn chục triệu đồng chỉ để mua một chiếc Iphone về nghe nhạc, thiết nghĩ đây là một hành động vô cùng hoang phí khi công năng của sản phẩm không được sử dụng tối đa.
Khi mua hàng, cần lưu ý là chất lượng và số lượng hàng có đúng và đủ không. Hãy đảm bảo đồng tiền của mình bỏ ra đạt hiệu quả bằng sự tương xứng của hàng hóa mua vào. Trong quá trình làm việc, không ít lần tôi phải trả hàng lại nhà cung cấp do chất lượng không phù hợp. Để chọn được hàng đúng tiêu chuẩn, bạn nhất thiết phải có một thỏa thuận rõ ràng, cụ thể với người bán về các tiêu chí của hàng hóa. Trong thỏa thuận đó, phải ghi rõ trường hợp nào có thể chấp nhận, trường hợp nào bắt buộc phải từ chối.
Là một người bán hàng giỏi đã khó, nhưng là một người mua hàng giỏi càng khó hơn. Chỉ cần khâu mua hàng không đúng, khâu bán hàng sẽ không thể thực hiện được hoặc thực hiện kém hiệu quả, không mang lại lợi nhuận. Hãy quý trọng từng đồng tiền, đừng phung phí, đừng chi tiền không suy nghĩ cho những gì không mang lại lợi nhuận hay giá trị sử dụng. Chỉ có làm việc một cách chăm chỉ, tiết kiệm hết sức và hạn chế tối đa sai lầm mới làm cho của cải của bạn không ngừng sinh sôi, nảy nở mà thôi.
Capro
01/06/2015