Phân có màu đen là tình trạng hay gặp khi bạn sử dụng những thực phẩm sẫm màu hay thuốc bổ sung sắt. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu phản ánh rằng đường tiêu hóa của bạn đang có vấn đề như loét dạ dày – tá tràng, viêm thực quản, ung thư dạ dày…Vậy làm thế nào để biết đâu là nguyên nhân khiến phân có màu đen? Và cách khắc phục vấn đề trên là gì? Mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết sau.
1. Tại sao phân có màu đen?
Bình thường, phân của chúng ta thường có màu vàng nâu do sự có mặt của các dẫn xuất bilirubin trong phân. Tuy nhiên ở một số trường hợp, chúng ta thấy phân có màu đen, điều này có thể do hai nguyên nhân chính sau:
1.1. Phân có màu đen do chế độ ăn và dùng thuốc
Điều này thường gặp phải khi:
- Bạn ăn uống các thực phẩm sẫm màu như:
- Cam thảo đen
- Việt quất
- Bánh oreo, socola
- Gelatin màu đỏ
- Chất tạo màu thực phẩm
- Thực phẩm giàu sắt như tiết canh, hàu,…
- Dùng thuốc bổ sung sắt.
- Dùng thuốc có chứa Bismuth (như Pepto-Bismol)
1.2. Phân có màu đen do các bệnh lý đường tiêu hóa:
Các bệnh lý này thường có đặc điểm chung là gây chảy máu trong đường tiêu hóa. Máu xuất hiện trong ống tiêu hóa tạo điều kiện cho enzyme tiêu hóa và các vi khuẩn đại tràng phân hủy thành hematin, khiến phân có màu đen. Máu càng di chuyển lâu trong đường tiêu hóa càng khiến phân có màu tối. Đó cũng là lý do vì sao phân có màu đen thường là do chảy máu đường tiêu hóa trên (bao gồm: miệng, thực quản, dạ dày và phần đầu tiên của ruột non) và phân màu có màu đỏ tươi là do chảy máu ở đường tiêu hóa dưới.
Các nguyên nhân khiến chảy máu đường tiêu hóa trên là:
a. Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa
Do hội chứng Mallory-Weiss:
Hội chứng Mallory-Weiss hay Hội chứng loét dạ dày – thực quản đề cập tới vấn đề chảy máu từ vết rách (vết rách Mallory-Weiss) trong niêm mạc ở chỗ giao giữa dạ dày và thực quản. Bệnh chiếm 5% khả năng gây xuất huyết tiêu hóa. Nguyên nhân của hội chứng này là do:
- Sự tăng áp lực ổ bụng khi nôn ói quá nhiều, nấc cục, ho liên tục, la hét quá nhiều, chấn thương vùng bụng hoặc khi hồi sức tim phổi.
- Hoặc có thể do nghiện rượu nặng.
Các triệu chứng điển hình là:
- Nôn ra máu (đỏ tươi).
- Phân có màu đen.
- Đau bụng hay vùng xương ức.
- Ăn uống khó tiêu.
Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa do viêm thực quản:
Viêm thực quản là hiện tượng thực quản bị viêm loét do trào ngược acid dạ dày (GERD). Bệnh sẽ có các mức độ viêm ở niêm mạc thực quản khác nhau phụ thuộc vào thời gian và tần suất tiếp xúc với các chất trào ngược. Ban đầu, chúng ta chỉ thấy tình trạng viêm sưng thực quản. Lâu ngày, nếu không được điều trị, các vết loét, xuất huyết có thể xuất hiện do niêm mạc không thể chống lại sự tấn công của acid từ dạ dày. Phân có màu đen thường là dấu hiệu khi bệnh tiến triển nặng hơn.
Các dấu hiệu đi kèm có thể nhận biết là:
- Ợ hơi không do thực phẩm hay ợ hơi khi đói.
- Ợ chua.
- Buồn nôn (triệu chứng này thường gặp khi bệnh nhân ăn no).
- Đau tức ngực.
- Một số triệu chứng khác như: Người bị viêm thực quản trào ngược hay bị nghẹn, ăn không ngon miệng, khó nuốt, đau rát họng, mất tiếng, nóng rát ngực, nuốt đau, chảy nước bọt, viêm loét ở miệng…
Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa do viêm loét dạ dày – tá tràng:
Đây là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu đường tiêu hóa trên, dẫn đến phân có màu đen. Căn bệnh này thường liên quan đến nhiễm vi khuẩn H.pylori. Loại vi khuẩn này gây phá vỡ hàng rào niêm mạc, trực tiếp gây viêm trên niêm mạc dạ dày, tá tràng. Bên cạnh đó, việc sử dụng aspirin hay các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAIDS) cũng có thể gây viêm loét dạ dày do cơ chế ức chế enzyme COX, giảm sản xuất chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, các yếu tố làm tăng tiết acid dạ dày như ăn đồ cay nóng, quá chua hay căng thẳng kéo dài cũng khiến bệnh trầm trọng hơn.
Phân có màu đen – Dấu hiệu nguy hiểm chớ coi thường